DUYÊN SỰ:

Kinh được thuyết tại Jetavana, thực ra đây chỉ là mẫu đối thoại giữa Đức Phật với Trưởng lão Puṇṇa. Ngài Trưởng lão đến xin phép Đức Phật đến xứ Sunāparanta để hành đạo. Nên biết đây là một xứ biên địa, dân chúng địa phương hầu hết là tà kiến và hung ác, trình độ văn hóa thấp kém. Ở một nơi như vậy, chỉ riêng việc tự tu cũng đã là khó, nói gì đến chuyện hoằng pháp. Rất hiểu Trưởng lão Puṇṇa nhưng Đức Phật vẫn nêu lên các câu hỏi cho Trưởng lão trả lời.

ĐẠI Ý BÀI KINH

  1. Do có hân hoan mới có khổ; không hân hoan thì không khổ. Thái độ không hân hoan này không phải chán đời mà là hỷ túc: vui với bất cứ hoàn cảnh nào gặp phải; giải thoát mọi ham muốn.
  2. Nội dung bài kinh thật ra không phải dừng lại ở đó mà còn nhắn nhủ với chúng ta những kinh nghiệm tu tập hết sức giá trị: từ pháp học cho đến pháp hành, từ việc tu tập cho đến độ tha, hàng tăng sĩ luôn luôn phải đối diện với rất nhiều trở lực. Có khi từ khó qua dễ, có khi từ dễ qua khó. Ở mỗi giai đoạn là một thử thách, nếu không kham nỗi thì rất dễ bỏ cuộc. Kinh nghiệm của Ngài Puṇṇa còn gợi cho ta một điều quan trọng hơn, đó là trong cuộc sống cũng như trong cuộc tu phải luôn luôn biết hướng tới mục đích thật đẹp mà bên cạnh đó phải luôn biết chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

NỘI DUNG

Tôn giả Puṇṇa xuất thân là một gia chủ ở Suppāraka trong xứ Sunāparanta. Lúc trưởng thành, Puṇṇa đi đến Sāvatthi với một đoàn xe đầy vật dụng. Tại đây, Puṇṇa được nhân duyên nghe đức Phật thuyết pháp, phát khởi niềm tịnh tín và xin gia nhập Tăng Đoàn. Tỳ-khưu Puṇṇa rất được mọi người thương mến nhờ làm việc tinh cần. Và trong một thời gian, ngài rất được quý mến giữa các vị giáo thọ sư, bởi ngài tài giỏi về biện luận.

Một hôm, Đại đức Puṇṇa đến xin đức Phật thuyết cho bài pháp ngắn gọn để bản thân trở về sống và hành đạo ở quê nhà, xứ Sunāparanta. Nên biết, đây là một xứ biên địa, dân chúng địa phương hầu hết là tà kiến và hung ác, trình độ văn hóa thấp kém. Ở một nơi như vậy, chỉ riêng việc tự tu cũng đã là khó, nói gì đến chuyện hoằng pháp.

Với lời thỉnh cầu của Đại đức Puṇṇa, Thế Tôn đã sách tấn bằng bài kinh Puṇṇovādasutta.[1] Đức Phật đã thuyết thời Pháp thoại khuyên dạy cho Đại đức về thái độ vị Tỳ-khưu khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nếu có hân hoan thì có đau khổ, không hân hoan đối với sáu trần khả ái, hấp dẫn thì không đau khổ. Sự diệt tận hân hoan là diệt tận đau khổ.

Này Puṇṇa, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ-khưu hoan hỷ tán thưởng, chấp thủ và an trú trong ấy, thời do hoan hỷ tán thưởng, chấp thủ và an trú, dục hỷ sanh; và này Puṇṇa, Ta nói rằng, từ sự tập khởi của dục hỷ, là sự tập khởi của khổ. Này Puṇṇa, có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức; có những vị do lưỡi nhận thức; có những cảm xúc do thân nhận thức; có những pháp do ý nhận thức; khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ-khưu hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú trong ấy, thời do hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú tham đắm, dục hỷ sanh; và này Puṇṇa. Ta nói rằng, từ sự tập khởi của dục hỷ, là sự tập khởi của khổ.

Này Puṇṇa, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả hỷ, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ-khưu không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Puṇṇa, Ta nói rằng, từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ. Này Puṇṇa, có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức; có những vị do lưỡi nhận thức; có những cảm xúc do thân nhận thức; có những pháp do ý nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỳ-khưu không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Puṇṇa, Ta nói rằng, từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ.

Sau khi thuyết pháp, Thế Tôn hỏi Tỳ-khưu Puṇṇa:

– Này Puṇṇa, ông sẽ sống ở quốc độ nào?

– Bạch Thế Tôn, con sẽ đi đến sống tại Sunāparanta.

– Này Puṇṇa, người nước Sunāparanta là hung bạo và thô ác. Này Puṇṇa, nếu người nước Sunāparanta mắng nhiếc và nhục mạ ông, ông sẽ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunāparanta mắng nhiếc, nhục mạ con, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, thật là chí thiện, người nước Sunāparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta”.

– Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy tay đánh đập ông, ông sẽ nghĩ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy tay đánh đập con; con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, thật là chí thiện, người nước Sunāparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta”.

– Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy các cục đất ném đánh ông, ông sẽ nghĩ thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy cục đất ném đánh con; con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy gậy đánh đập ta”.

– Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy gậy đánh đập ông, ông nghĩ thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy gậy đánh đập con; con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy dao đánh đập ta”.

– Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao đánh đập ông, ông nghĩ thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao đánh đập con; con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta”.

– Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ông, ông nghĩ thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; con sẽ nghĩ như sau: “Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao để tự sát. Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy”.

– Lành thay, lành thay, này Puṇṇa! Này Puṇṇa, ông có thể sống trong nước Sunāparanta, khi ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Puṇṇa, ông nay hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời.

Rồi Đại đức Puṇṇa ra đi, tu tập thiền định trí tuệ, chứng được Tam minh trong mùa an cư ấy. Và cũng khi ấy, ngài chứng Thánh quả A-la-hán. Tại xứ quê nhà của mình, ngài đã giáo hóa được nhiều người theo đạo, gồm năm trăm nam cư sĩ và nữ cư sĩ.

Lúc ở Sunāparanta, Tôn giả Puṇṇa trú tại núi Ambahatthapabbata nhưng sau vì bị người em nhận diện, ngài dời về tại Tự viện ở núi Samuddagirivihāra gần bờ biển. Sóng biển tại đây gây tiếng động khiến Tôn giả khó định tâm, ngài khiến cho biển lặng. Sau đó, Tôn giả đi đến Mātulagiri nhưng tiếng chim kêu ồn ào nên dời bước đến Makulakagāma.

Lúc ở Makulakagāma, ngài có truyền giới cho em của mình là Cūlapuṇṇa. Cūlapuṇṇa đi cùng 500 người nữa trên chuyến tàu đi buôn. Tàu đến đảo lấy cây trầm hương khiến vị thần trên đảo nổi giận gây nên sóng to gió lớn và xuất hiện dọa nạt. Mỗi thương buôn thầm vái vị hộ mạng của mình để xin thần linh giúp đỡ, riêng Cūlapuṇṇa cầu xin Tôn giả Puṇṇa hộ độ. Biết em lâm nguy, Tôn giả du hành trên không trung đến đó; thần đảo thấy ngài liền biến mất tại chỗ. Để tạ ơn Tôn giả, các thương buôn cúng dường ngài một phần cây trầm hương.

Khi ấy, Tôn giả Puṇṇa cùng các cư sĩ kiến tạo Hương thất bằng gỗ trầm hương (Candanasālā) và ngài thỉnh đức Phật đến chủ trì lễ lạc thành bằng cách chuyển một cành hoa trên hư không về Sāvatthi. Thế Tôn ngự đến đó cùng với 499 vị Thánh tăng A-la-hán trên 499 kiệu do Thiên tử Vissakamma cung cấp theo lời yêu cầu của Thiên chủ Sakka. Trên đường đến dự lễ, Thế Tôn ghé qua núi Saccabaddha và chuyển hoá vị đạo sĩ đang tu trên núi này. Tại đây, Thế Tôn đã tiếp độ vị đạo sĩ ấy xuất gia và chứng đắc Thánh quả A-la-hán; sau đó, vị ấy theo Thế Tôn đến Sunāparanta trên kiệu thứ 500. Đức Phật lưu lại Sunāparanta một đêm. Sáng hôm sau, Thế Tôn trở về Tự viện, trên đường về, Ngài dừng lại nơi bờ sông Nammadā[2], Xà vương Nammadā đã cung kính đảnh lễ và xin thỉnh Thế Tôn ở lại thọ trai. Sau buổi thọ trai, với lời thỉnh cầu của Xà vương, đức Thế Tôn đã lưu lại dấu chân[3] tại trú xứ của Xà vương để mọi người chiêm ngưỡng.[4]

Khi ngài sắp mệnh chung. Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:

Sīlameva idha aggaṃ, paññavā pana uttamo;

Manussesu ca devesu, sīlapaññāṇato jayaṃ.

Ở đây chỉ có giới, Là pháp thật tối thượng,

Nhưng vị nào có tuệ, Vị ấy là vô thượng,

Vị đủ giới và tuệ, Chiến thắng giới Nhân, Thiên.[5]

Sau một thời gian, Ngài mệnh chung. Đức Thế Tôn cho biết Tôn giả đã nhập Níp-bàn, không trở lui đời này nữa.

Nhắc lại tiền kiếp của Tôn giả Puṇṇa, vào 90 kiếp trước, trong lúc không có đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, Tôn giả sanh làm một Bà-la-môn thông thái; tu ẩn trên Hy Mã Lạp Sơn. Cạnh trú xứ ẩn sĩ có một vị Phật Độc Giác, khi Ngài tịch diệt, hào quang sáng chói phát ra. Ẩn sĩ Puṇṇa hoả táng Ngài và có rải nước hương liệu để dập tắt lửa. Công đức của vị ẩn sĩ được một chư dạ-xoa chứng kiến và nó tiên đoán tương lai rạng rỡ của ẩn sĩ. Trải qua nhiều kiếp, ngài vẫn mang danh là Puṇṇa hay Puṇṇaka.

Pabbhārakūṭaṃ nissāya, sayambhū aparājito;

Ābādhiko ca so buddho, vasati pabbatantare.

Ở gần đỉnh của sườn núi, có đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại, cư ngụ ở trong vùng đồi núi. Đức Phật đáng kính bị lâm bệnh.

Mama assamasāmantā, panādo āsi tāvade;

Buddhe nibbāyamānamhi, āloko udapajjatha.

Cho đến lúc ấy, đã có tiếng động ở vùng lân cận khu ẩn cư của tôi. Trong khi đức Phật đang (viên tịch) Níp-bàn, có ánh sáng đã xuất hiện.

Yāvatā vanasaṇḍasmiṃ, acchakokataracchakā;

Vāḷā ca kesarī sabbe, abhigajjiṃsu tāvade.

Từ loài gấu, chó sói, linh cẩu, cọp, và sư tử ở trong cụm rừng già cho đến toàn bộ (thú rừng) đã rống lên.

Uppātaṃ tamahaṃ disvā, pabbhāraṃ agamāsahaṃ;

Tatthaddassāsiṃ sambuddhaṃ, nibbutaṃ aparājitaṃ.

Sau khi nhìn thấy hiện tượng bất thường ấy, tôi đã đi đến ngọn núi. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Giác Ngộ, bậc không bị đánh bại, đã tịch diệt.

Suphullaṃ sālarājaṃva, sataraṃsiṃva uggataṃ;

Vītaccikaṃva aṅgāraṃ, nibbutaṃ aparājitaṃ.

Bậc không bị đánh bại đã tịch diệt ví như là cây sālā chúa đã được trổ hoa, tợ như mặt trời đã mọc lên, như là đống than đã tàn ngọn lửa.

Tiṇaṃ kaṭṭhañca pūretvā, citakaṃ tatthakāsahaṃ;

Citakaṃ sukataṃ katvā, sarīraṃ jhāpayiṃ ahaṃ.

Sau khi gom đầy cỏ và củi, tôi đã tạo dựng giàn hỏa thiêu ở tại nơi ấy. Sau khi hoàn tất giàn hỏa thiêu khéo được tạo dựng, tôi đã thiêu đốt thi thể.

Sarīraṃ jhāpayitvāna, gandhatoyaṃ samokiriṃ;

Antalikkhe ṭhito yakkho, nāmamaggahi tāvade.

Sau khi thiêu đốt thi thể, tôi đã rưới nước thơm. Ngay khi ấy, có con Dạ-xoa đứng ở trên không trung đã đặt tên (cho tôi) rằng:

Yaṃ pūritaṃ tayā kiccaṃ, sayambhussa mahesino;

Puṇṇako nāma nāmena, sadā hohi tuvaṃ mune.

“Này vị hiền trí, công việc đối với bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Tự Chủ đã được ông làm đầy đủ, vậy ông hãy luôn luôn có tên là Puṇṇaka”

Tamhā kāyā cavitvāna, devalokaṃ agacchahaṃ;

Tattha dibbamayo gandho, antalikkhā pavassati.

Sau khi chết đi lìa bỏ thân ấy, tôi đã đi đến thế giới chư Thiên. Tại nơi ấy, có hương thơm bằng chất liệu thuộc cõi trời tỏa ra ở không trung.

Tatrāpi nāmadheyyaṃ me, puṇṇakoti ahū tadā;

Devabhūto manusso vā, saṅkappaṃ pūrayāmahaṃ.

Cũng ở tại nơi đó, khi ấy tên gọi của tôi đã là “Puṇṇaka.” Dầu trở thành vị Thiên nhân hay là loài người, tôi đều làm tròn đủ ý định (của mình).[6]

Quý vị có thể nghe bài giảng tại đường link:

____________________________________________

[1] Trung bộ kinh, kinh giáo giới Puṇṇa (M.iii.267)

[2] Nammadā là tên một dòng sông ở Ấn Độ (hiện tại là sông Nerbudda). Sông được làm ranh giới giữa Uttarāpatha và Dakkhiṇāpatha. Dấu chân của Thế Tôn lưu tại đây chỉ hiển lộ lúc nước triều xuống.

[3] Một vài địa điểm lưu lại dấu chân của đức Thế Tôn như là núi Sumanakūṭa, bờ sông Nammadā, núi Saccabaddha và trong Yoṇakapura.

[4] MA.ii.1014 ff

[5] Trưởng lão tăng kệ, chương một kệ, phẩm bảy, kệ ngôn của trưởng lão Puṇṇa (Thag.11; ThagA.i.156 ff)

[6] Thánh nhân ký sự, phẩm Metteyya, ký sự về trưởng lão Puṇṇaka, kệ 3919-3928 (Ap.ii.341)